Đà Lạt là tên gọi của người Việt hay được ghép từ ký tự đầu của năm chữ Latinh: Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem?
Giải thích ngắn gọn
- Theo ngôn ngữ của người Thượng. Da hay Dak là nước, Lat là tên bộ tộc. Để chỉ vùng đất mà có nước hay con suối của người Lat chảy qua, họ nói là Da Lat (được bác sĩ Yersin phiên âm bằng tiếng Pháp). Về sau được người Việt ghi là Đà Lạt.
- Cách giải thích tên gọi Đà Lạt được cấu thành từ kí tự đầu của 5 chữ cái Latinh: Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem là không chính xác vì 5 chữ Latinh này ra đời sau chữ Dalat.
Giải thích chi tiết
Năm 1893, bác sĩ Yersin trên hành trình khám phá cao nguyên Lâm Viên vừa đi vừa xác định tọa độ địa lý và vẽ bản đồ vùng đất mới. Đi tới đâu, ông cũng hỏi dân địa phương để biết các địa danh rồi phiên âm theo tiếng Pháp.

Trong nhật ký hành trình, ông đã cho biết rằng đã đến hỏi viên tù trưởng về những vùng phía bắc Cao nguyên Lâm Viên. Người này biết rõ Krong Ea, Đaoung và các làng người Bihs và đã kể ra tên nhiều các làng ở địa phương này như Damron (tên tiếng Việt là Đam Rông, một huyện miền núi nằm ở phía tây bắc tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam), Tiel Deung, Siel Moup… Trong những trang nhật ký này, cũng thấy các địa danh như Prenn, Dan Dia, Ankroette.
Tương tự như vậy, địa danh Đà Lạt là tên gọi do sự hỏi dân địa phương mà ra. Điều này đã được xác nhận bởi ông Cunhac, người có mặt trong các phái đoàn đầu tiên thăm dò, nghiên cứu để thành lập Đà Lạt. Ông đã trả lời phỏng vấn trên báo Revue Indochine số 180 như sau:
“Cho mãi tới những năm sau này, khung cảnh ban sơ vẫn không có gì thay đổi. Ở tại chỗ của cái hồ nước trước đó, con suối nhỏ của bộ lạc người Lat đã chảy qua và người ta đã gọi suối này là Đà Lạt”. Da hay Dak tiếng đồng bào dân tộc nghĩa là nước. Như thế Đà Lạt có nghĩa là nước của người Lat hay suối của người Lat.
Danh xưng Đà Lạt như thế trước hết được dùng để gọi con suối hiện nay gọi là Cam Ly. Sau Đà Lạt được dùng gọi cả vùng có con suối trên.
Ban đầu, trên bản đồ cũng như sách, người ta chỉ hay nói tới địa danh Dankia hay Lang Biang. Nhưng sau khi Đà Lạt được chính thức chọn làm nơi nghĩ mát thay vì Dankia, nhất là khi Đà Lạt trở thành một thành phố, địa danh Đà Lạt mới hay được nhắc tới.

Rồi những người khai sáng ra Đà Lạt đã gọi nơi này bằng một câu cách ngôn (tục ngữ, ngạn ngữ hoặc danh ngôn, chỉ có nghĩa đen, đơn thuần về mặt giáo dục) Latinh chiết tự tinh tế: Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem tạm dịch là “Đà Lạt cho người này niềm vui, cho người khác nhiệt độ dễ chịu”.
Chính André Morval đã viết câu cách ngôn chiết tự ở đầu bài báo nhan đề: Dalat Cité de la Jeunesse và đã viết ở phía dưới như sau: “Những người khai sinh ra nơi nghỉ mat trên miền núi danh tiêng của chúng ta đã xác định một cách rất hợp lý những nét hấp dẫn cvaf những đặc tính tốt bằng một câu cách ngôn ghép chữ đầu rất khéo léo để liền theo huy hiệu của thành phố”.
Câu cách ngôn chiết tự trên đã được làm ra về sau và đã thường viết kèm theo huy hiệu của thành phố và như vậy không hề là câu phát xuất ra địa danh Đà Lạt như nhiều người lầm tưởng.
Theo Tạp chí Xưa và Nay